98% những người tham gia sẽ bị “cháy” tài khoản trong vòng 6 tháng đầu tiên. Nhưng nếu có thắng được thì cũng chưa chắc đã rút được tiền, vì toàn bộ dữ liệu bị xoá, hay đơn giản là do “máy chủ” bị lỗi. Đây chỉ là một trong rất nhiều những rủi ro mà những nhà đầu tư (NĐT) đang phải hứng chịu khi tham gia trên các sàn giao dịch ngoại hối / vàng chui hiện nay.
Hằng ngày, trên các sàn giao dịch chứng khoán, nhiều NĐT đã nhận được rất nhiều lời mời chào từ những môi giới về việc mở tại khoản để “đánh” vàng hay các loại hàng hoá khác như dầu mỏ, bạc hay tiền tệ qua các sàn giao dịch không được cấp phép.
Có thể nói, sau khi lệnh cấm các hoạt động sàn giao dịch vàng có hiệu lực từ tháng 3.2010, hoạt động tại các sàn giao dịch chui lại diễn ra còn rầm rộ hơn trước. Theo thống kê không chính thức, hiện có khoảng 80 công ty đang tham gia trên thị trường ngầm này, tập trung chủ yếu ở TP. HCM và Hà Nội.
Nổi đình đám nhất lâu nay là công ty TNHH Hồng Hối có trụ sở ở Q.10, TPHCM, hiện đã phát triển lên hàng chục chi nhánh ở rất nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước. Hay mạng lưới đại lý của Công ty đầu tư và kinh doanh vàng Quốc tế (IGI) hiện có mặt ở cả 3 miền Bắc, Trung, Nam. Bên cạnh đó có thể kể đến những cái tên khác như Kim Thiệu, Minh Đạt, Đại Hữu Phát, Đại Dương, Công ty CP tư vấn đầu tư và phát triển châu Á (ADIG)…
Đặc điểm của các sàn giao dịch chui là thủ tục mở tài khoản rất đơn giản: NĐT chỉ cần chứng minh nhân dân và điền vài thông tin sơ sài vào mẫu đăng ký có sẵn, sau đó nộp tiền ký quỹ là đã có thể bắt đầu quy trình mua bán. Một số sàn khác, như ADIG thì lại không có bất kỳ một hợp đồng hay thoả thuận bằng văn bản nào. Tất cả chỉ là thoả thuận “miệng” giữa công ty và NĐT!
Hiện tỷ lệ ký quỹ cực thấp (1-2%), nghĩa là NĐT được phép giao dịch khối lượng vàng / ngoại hối trị giá gấp vài trăm lần số tiền vốn bỏ ra. Chính tỷ lệ ký quỹ thấp nhiều NĐT cảm thấy rất “phê” khi tham gia “lướt sóng”. Đây cũng là chỗ các môi giới khai thác tối đa nhằm gây ấn tượng “vốn ít, lời nhiều” với các NĐT.
Trong bối cảnh “sân chơi” vàng tài khoản bị cấm; TT chứng khoán tụt dốc kéo dài; bất động sản thì đang thiếu vốn trầm trọng do chủ trương siết chặt nguồn vốn của chính phủ; thị trường USD tự do thì đã hết sóng mấy tháng nay thì việc ngày càng có nhiều NĐT tham gia với các sàn giao dịch chui cũng là không có gì là lạ.
Đến những rủi ro khó lường
Rủi ro lớn nhất là khả năng thua lỗ, cháy tài khoản. Bởi với tỷ lệ đòn bẩy lên đến 1:100, 1:200 như hiện nay thì chỉ cần giá vàng hay các cặp tiền tệ biến động nhỏ chừng 0,5% ngược với hướng NĐT đã chọn cũng đủ làm bay sạch tài khoản. Trong khi đó từ vài tháng trở lại đây, TT vàng thế giới biến động rất mạnh, mỗi ngày lên xuống 1-4% là rất bình thường.
Một rủi ro khác là vấn đề thanh khoản của các sàn chui, nhất là những lúc thị trường có biến động mạnh. Nhiều NĐT cho hay là thường lúc đó các nhà cái dùng các biện pháp kỹ thuật để chặn lệnh của khách, hay là làm cho hệ thống bị “trơ cứng” một thời gian.
Không chỉ thế, còn có rủi ro khác liên quan đến số tiền mà NĐT đã bỏ vào. Đơn cử như tại sàn giao dịch ADIG thì khi ký quỹ, số tiền của khách hàng sẽ được chuyển vào một tài khoản đứng tên một cá nhân nào đó mà không có bất cứ biên lai hay xác nhận nào. Khi cần rút tiền, NĐT báo với công ty để công ty chuyển tiền về cũng từ tài khoản cá nhân nói trên.
Rủi ro hơn là cách thức quản lý kiểu một mình một chợ, vừa đá bóng vừa làm trọng tài của các sàn vàng chui. Nhiều NĐT ví von rằng chơi với các sàn chui này chẳng khác gì đấu kiếm với đối thủ trong lúc mình bị bịt mắt. Trên thực tế, lãnh đạo công ty ADIG khẳng định họ chỉ là đại lý của Gold-4X, 1 công ty của Mỹ, nhưng thực tế thì không phải như vậy.
Không phải NĐT không lường trước những rủi ro có thể gặp phải, nhưng một phần vì thấy dễ kiếm lời, một phần vì đang thiếu “sân chơi” nên nhiều người vẫn tham gia. Tuy nhiên, do không chịu sự quản lý của cơ quan chức năng, nên rủi ro mà NĐT phải gánh chịu là không thể tránh khỏi. Do các sàn hoạt động chui nên sẽ không có cơ quan nào đứng ra giải quyết khi xảy ra tranh chấp, kiện cáo.
“Nếu một ngày đẹp trời, các công ty “chui” này bỗng dưng đóng cửa hay phá sản và tiền trong các TK của khách hàng bốc hơi thì cũng không có gì lạ”, một NĐT lâu năm trên thị trường ngoại hối nhận xét như vậy trên một diễn đàn tài chính – tiền tệ. Còn thực tế, tại TP.HCM đã có những trường hợp lừa đảo với quy mô lớn. Như việc lãnh đạo công ty Golden Rock (Hồng Kông) chi nhánh TP. HCM “ẵm” hơn 10 triệu USD trốn ra nước ngoài năm 2006. Hay như ông chủ của công ty Tactics (Q.1, TP.HCM) cũng “hô biến” hơn 1,4 triệu USD của các NĐT vào năm 2007…